THÁI NGUYÊN: “ĐÁNH THỨC” TIỀM NĂNG DU LỊCH TỪ DỰ ÁN ĐƯỜNG VEN HỒ NÚI CỐC
(Xây dựng) – Với vẻ đẹp hoang sơ vốn có, việc đầu tư xây dựng tuyến đường ven Hồ Núi Cốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kết nối hạ tầng giao thông, khai thác triệt để tiềm năng du lịch của bức tranh sơn thuỷ nơi Thủ đô gió ngàn. Với chiều dài khoảng 35,151 km, dự án được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho tiến trình phát triển khu du lịch Hồ Núi Cốc theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường ven hồ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển du lịch Hồ Núi Cốc.
Hồ Núi Cốc – Nơi tình yêu bắt đầu!
Lâu lắm rồi, người ta vẫn kể về Hồ Núi Cốc với tình yêu hoá núi, hoá sông của chàng Cốc, nàng Công vì yêu nhau không đến được với nhau, người vì thương nhớ nước mắt hoá thành sông, người vì đợi chờ mòn mỏi rồi hoá đá. Những giai thoại khắc khoải cho đến tận bây giờ người ta vẫn còn văng vẳng và được cho là biểu tượng của tình yêu giống như sự thuỷ chung tựa cau trầu, núi sông, mây trời.
Truyền kể rằng, xưa kia có một chàng trai nghèo tên chàng Cốc, sống bằng nghề đốn củi. Bởi vì quá nghèo nên chàng Cốc không thể lấy được vợ. Mỗi lúc buồn, chàng chỉ còn biết gửi nỗi lòng vào tiếng sáo cô liêu. Một năm mất mùa, chàng Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công, sông Gâm làm thuê. Duyên thay, quan lang có cô con gái xinh đẹp hát hay, múa giỏi nức tiếng là nàng Công. Nhiều người trong làng đến ướm hỏi nhưng nàng Công không ưng ai.
Duyên trời định đoạt, tiếng sáo chàng Cốc khiến trái tim người con gái rung động. Biết chuyện, quan lang vô cùng tức giận. Ông bắt chàng Cốc làm những việc khó khăn, nguy hiểm nhưng với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại thú rừng, chàng Cốc đã hoàn thành tất cả yêu cầu. Song điều đó không làm quan lang hài lòng, ông bắt nhốt nàng Công trong nhà và cho quân truy đuổi chàng Cốc.
Chàng bèn về quê chờ ngày gặp lại người yêu. Chàng chờ mãi, chờ mãi cho đến khi cả tấm thân hóa thành núi, còn nàng Công vì thương nhớ chàng Cốc mà khóc ròng, đến nỗi nước mắt chảy thành sông.
Và chính trên con sông Công huyền thoại người ta đã cho xây dựng Hồ Núi Cốc, một hồ nước nhân tạo nhưng mang vẻ đẹp tự nhiên, tạo ra một trong những địa điểm du lịch không thể bỏ qua của nhiều du khách, đặc biệt là những đôi trái gái yêu nhau. Họ đến với Hồ Núi Cốc vì tình yêu, vì lời hò hẹn và cũng có thể là nơi khởi đầu của yêu thương “cho lứa đôi xưa sớm hôm kề nhaụ/ Một hồ nước đầy đắm say miệt mài…”.
Vẻ đẹp hoang sơ của Hồ Núi Cốc. (Ảnh: TL)
“Đánh thức” tiềm năng du lịch trên những cung đường mới
Đó sẽ là điều kỳ diệu khi dự án đường ven Hồ Núi Cốc với chiều dài 35,151 km được khởi công đi vào thực tế. Đây là dự án góp phần tạo tiền đề cho tiến trình phát triển khu du lịch Hồ Núi Cốc theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển hạ tầng du lịch của Thái Nguyên.
Dự án đường ven Hồ Núi Cốc có phạm vi nghiên cứu quy hoạch trong diện tích 650 ha thuộc địa phận 7 xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP Thái Nguyên); Phúc Tân (TX Phổ Yên); Tân Thái, Lục Ba, Vạn Thọ, Bình Thuận (huyện Đại Từ) với phạm vi lập quy hoạch tuyến đường khoảng 409 ha.
Về quy hoạch, tuyến đường ven hồ (tuyến chính) có tổng chiều dài khoảng 35,151 km, điểm đầu tuyến Km0+000 và điểm cuối tuyến Km35+613 tại khoảng Km15+680 trên ĐT.270 gồm 4 đoạn: Đoạn phía Đông từ ĐT.270 (xã Tân Thái, huyện Đại Từ) đến ĐT.267 (xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên) dài 10,2 km; đoạn phía Nam từ ĐT.267 đến đường bê tông Phúc Tân dài 6,2 km; đoạn phía Tây dài 15,18 km từ đường bê tông Phúc Tân tới ĐT.261 (Lục Ba, huyện Đại Từ); đoạn phía Bắc dài 4,03km từ ĐT.261 đến ĐT.270.
Trong phạm vi nghiên cứu, quy hoạch còn 5 tuyến nối từ khu vực trung tâm các khu tập trung dân cư hoặc từ các trục giao thông chính với đường ven hồ. Loại đường được đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế là theo tiêu chuẩn đường ô tô, đảm nhiệm chức năng chính là vận tải và du lịch.
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết: “Hiện UBND tỉnh đang đầu tư hạ tầng giao thông vào khu Hồ Núi Cốc và để có cơ sở tiếp tục thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh Hồ Núi Cốc. Ngày 26/10/2018 Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Sở, Ban, Ngành của tỉnh đã nghe Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và đơn vị tư vấn quy hoạch trình bày báo cáo phương án đề xuất quy hoạch đường ven hồ. Bước tiếp theo để có cơ sở phê duyệt tỉnh sẽ tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như phản biện và thẩm định trước khi phê duyệt”.
Ông Quang Anh cũng chia sẻ: “Nhằm tạo tiền đề cho tiến trình phát triển khu du lịch Hồ Núi Cốc theo quy hoạch, việc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển một số công trình hạ tầng giao thông chủ yếu đặc biệt là tuyến đường ven Hồ Núi Cốc là vô cùng quan trọng. Quy hoạch tuyến đường và quy hoạch xây dựng chung khu du lịch Hồ Núi Cốc được duyệt sẽ định hướng không gian và đầu tư xây dựng khai thác tiềm năng khu Du lịch Hồ Núi Cốc và đưa nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước”.
Theo tìm hiểu trước đó, ngày 18/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2228/QĐ- TTg về quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030 Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ngày 11/9/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp để thống nhất đồ án quy hoạch chi tiết đối với tuyến đường này.
Có thể nói, sự hấp dẫn của Hồ Núi Cốc là điều mà không phải ở đâu cũng có và đây cũng chính là thế mạnh cũng như tiềm năng để tỉnh Thái Nguyên phát triển và nâng tầm vị thế trong việc đầu tư phát triển du lịch của tỉnh.
Với những tâm huyết huyết của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành tỉnh Thái Nguyên, việc phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt là tuyến đường ven Hồ Núi Cốc hứa hẹn sẽ là bàn đạp thúc đẩy, đưa du lịch Hồ Núi Cốc nói riêng và du lịch tỉnh Thái Nguyên nói chung phát triển lên tầm cao mới, vị thế mới.